Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

ỨNG DỤNG MARKETING-MIX TRONG MARKETING BỆNH VIỆN

Các marketer đều đã biết đến marketing-mix (hay còn gọi là tổ hợp marketing) gồm 4P (4 chữ cái đầu trong tiếng Anh của Product-Price-Place-Promotion) và rồi những năm gần đây nhiều tác giả còn bổ sung thêm một số P khác nữa theo quan điểm mỗi người và tùy theo mỗi lĩnh vực marketing chuyên ngành.

P1 - Sản phẩm: là dịch vụ khám chữa bệnh & các dịch vụ khác (tư vấn, phòng bệnh..) của bệnh viện. Khi đề cập đến P này bệnh viện phải xác định câu trả lời cho các câu hỏi sau:
- Dịch vụ chính - phụ của bệnh viện là gì?
- Đối tượng mà bệnh viện muốn cung cấp dịch vụ của mình là ai? (Thị trường mục tiêu, phân khúc thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu)
- Bệnh viện muốn dịch vụ của mình "nằm ở vị trí nào" trong tâm trí khách hàng mục tiêu? (Định vị sản phẩm)
Nói tóm tắt là phải trả lời câu hỏi: Cung cấp cái gì, cho ai & ở mức nào?

P2 - Giá: đây là chính sách khá quan trọng trong cạnh tranh, tuy nhiên nếu xét theo khía cạnh nhà quản lý để so sánh với hàng hóa thông thường thì chính sách giá trong marketing y tế không quan trọng bằng (vì tính chất không đồng nhất của dịch vụ y tế: khó có thể so sánh chất lượng khám bệnh của bv A bằng bao nhiêu % so với bv B để so sánh tương quan về giá). Nhưng xét theo quan điểm của nhà xã hội học thì tác động của nó đến xã hội lại thực sự lớn, vì thế mà các chính phủ luôn phải quan tâm tác động điều chỉnh để đảm bảo tính hợp lý với từng xã hội.
Bệnh viện phải trả lời câu hỏi: Áp dụng giá thế nào cho dịch vụ để đảm bảo tính hiệu quả (cạnh tranh, doanh thu, thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận...) mà vẫn đảm bảo tính xã hội & nhân đạo.

P3 - Phân phối: dùng từ này thực sự không phù hợp nhưng tôi vẫn dùng để người đọc không thấy khác lạ so với 4P đã được biết đến. Cách hiểu phù hợp với marketing bệnh viện theo tôi là: kênh tiếp cận và cung cấp dịch vụ bệnh viện tới khách hàng mục tiêu.
Bệnh viện phải trả lời câu hỏi: Làm thế nào để cung cấp dịch đến khách hàng mục tiêu một cách thuận lợi nhấtcho khách hàng & hiệu quả nhất cho bệnh viện?

P4 - Xúc tiến: đây cũng là một từ tối nghĩa với marketing bệnh viện. Hãy hiểu đây là tập hợp các phương pháp nhằm:
- Tăng tính nhận diện của bệnh viện đối với khách hàng mục tiêu.
- Xây dựng hình ảnh bệnh viện trong tâm trí khách hàng theo mục tiêu định vị của bệnh viện
- Khuyến khích khách hàng lựa chọn bệnh viện mình khi có nhu cầu sức khỏe.
- Tác động đến hành vi sử dụng dịch vụ của bệnh viện để đạt hiệu quả hoạt động tối ưu.
Và rất nhiều mục tiêu khác nữa.

Các P khác: Quy trình (Process), Nhân lực (People ), Chính trị (Politics), Minh chứng thực tế (Physical evidence)... tùy theo mỗi quan điểm. Theo tôi, đó chỉ mang tính nhấn mạnh để các nhà quản trị marketing lưu ý đến những nhóm vấn đề quan trọng trong quá trình tác nghiệp mà thôi. Bởi vì các yếu tố như nhân lực, quá trình, chính trị... đều xuất hiện và có vai trò nhất định trong tất cả 4P cổ điển của marketing-mix chứ không hề tách rời.

Các nội dung của marketing-mix cho bệnh viện tôi sẽ trình bày chi tiết với các ví dụ thực tiễn theo từng vấn đề trong các bài viết tiếp theo.

1 nhận xét:

  1. cháu chào chú, hiện tại cháu đang học một học phần là Marketing bệnh viện, do là ngành mới nên cháu rất ít tài liệu để tham khảo. Hôm nay cháu tìm kiếm thông tin trên mạng và thấy được các bài viết của chú, cháu thấy rất hay.
    Cám ơn chú nhiều!

    Trả lờiXóa