Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

LẠI CÂU CHUYỆN "BỆNH NHÂN HAY KHÁCH HÀNG"

Người bệnh cũng đồng thời là khách hàng của bệnh viện, thêm vào đó người nhà của người bệnh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của bệnh viện. Vì thế, không nên né tránh việc sử dụng khái niệm khách hàng trong môi trường bệnh viện mà hãy cố gắng hiểu rõ, hiểu đúng khái niệm này cùng với các quyền của khách hàng nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng - người bệnh.

Câu "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của cụ Vũ Trọng Phụng xem ra vẫn hợp thời đến tận năm đầu thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21 trong mỗi cái cách gọi tên đối tượng phức tạp này. Từ "người bệnh" trong nhiều năm được đổi thành "khách hàng" trong thời kỳ cải cách tác phong giao tiếp của ngành y để rồi phút chốc lại quay về "người bệnh" theo khẩu lệnh của một vị quản lý cấp cao. 

"Biết rồi" - Chắc là đã biết chưa?

Người bệnh là người bị bệnh (quá đơn giản) còn Khách hàng là người mua (ra quyết định và chi trả) và/hoặc thụ hưởng các đặc tính của hàng hóa/dịch vụ.

Trong bối cảnh thực tế tại bệnh viện hiện nay, người bệnh có được quyền ra quyết định chọn bệnh viện nào để đến khám không? Họ có chi trả cho việc khám chữa bệnh của họ không (dù là tiền túi hay trả qua các quỹ bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm y tế)? Họ có phải là người thụ hưởng kết quả can thiệp y khoa của các bệnh viện mà họ đã chọn không? CÓ và CÓ và CÓ. Vậy thì họ là Khách hàng rồi còn gì nữa.

Trước hết, cùng nhìn lại đối tượng là người có bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện thông qua hình ảnh dưới đây: hình nào là bóng của vật thể trong ảnh? Vuông, tam giác hay hình tròn?


Vâng, cả ba hình đều là bóng của vật thể đó nhưng tùy theo góc chiếu khác nhau mà ta có hình bóng khác nhau mà thôi. Người bệnh của chúng ta cũng vậy, họ hiển nhiên là người bị bệnh cần được chăm sóc can thiệp y khoa nhưng đồng thời họ cũng là người quyết định chọn dịch vụ của bệnh viện, chi trả cho dịch vụ mà họ sử dụng và nhận lấy mọi kết quả can thiệp y khoa từ bệnh viện. Họ vừa là khách hàng vừa là người bệnh.

Đồng thời, bước chân qua cổng bệnh viện không chỉ có người bệnh mà còn có người nhà đi cùng chăm sóc người bệnh hoặc đến thăm người bệnh (tôi chưa tính đến các đối tượng không phổ biến khác nữa) và trong nhiều trường hợp người nhà mới là người ra quyết định dùng và chi trả cho dịch vụ của bệnh viện (cha mẹ bệnh nhi, người nhà của những người bệnh hôn mê mất tri thức, người nhà của bệnh nhân cao tuổi sống phụ thuộc con cái...). Người nhà có cần được tôn trọng, hỗ trợ, giao tiếp đối xử một cách tử tế không? Nếu chủ trương là "giao tiếp ứng xử tốt với người bệnh" thì có thể hiểu là nhân viên bệnh viện được phép giao tiếp ứng xử không tốt với người nhà? 

Tập hợp khách hàng đã bao hàm tập hợp người bệnh (cũng đồng thời là khách hàng) nên tôi nghĩ không nên né tránh việc gọi đối tượng mà bệnh viện đang phục vụ là khách hàng, bởi vì về bản chất họ đúng là khách hàng.

"Khổ lắm, Nói mãi" - nói để hiểu và để có hành động phù hợp nhằm giữ chân khách hàng

Hài hước là có một số người đã ngụy biện khi phản đối cách gọi khách hàng, đại loại là họ nói rằng "coi người bệnh là khách hàng sẽ làm tăng xu hướng lạm dụng chỉ định để tăng thu vì coi việc bán thật nhiều cho khách hàng là ưu tiên của bệnh viện trong vai trò người bán". Không hiểu từ đâu ra cái triết lý "cứ là khách hàng thì sẽ bị vặt" vì bất kỳ cá nhân tổ chức nào kinh doanh nghiêm túc và muốn phát triển lâu dài đều phải giữ khách hàng bằng cách coi quyền lợi của khách hàng là ưu tiên hàng đầu chứ không lừa gạt vì lợi ích ngắn hạn. Trong vấn nạn lạm dụng chỉ định, lạm dụng thuốc thì vấn đề mấu chốt nằm ở đạo đức của người thầy thuốc với sự hậu thuẫn của tình trạng thông tin bất đối xứng trong môi trường y khoa và thực trạng buông lỏng quản lý của bệnh viện, chứ không phải việc coi người bệnh là khách hàng.

Vậy gọi họ là khách hàng thì có gì hay? Khi họ là khách hàng, họ có quyền của khách hàng. Đó là 4 quyền: quyền được đảm bảo an toàn, quyền được cung cấp thông tin, quyền được lắng nghe và quyền được lựa chọn. Quyền được đảm bảo an toàn có lẽ là quyền duy nhất được hệ thống y tế chúng ta quan tâm, bằng chứng là công tác quản lý chất lượng và an toàn người bệnh được các bệnh viện thực hiện lâu nay. Các quyền còn lại của khách hàng không được các nhà quản lý bệnh viện lưu tâm và tùy thuộc hoàn toàn vào nhân viên y tế trực tiếp, nếu bác sĩ điều dưỡng tận tâm thì người bệnh được lắng nghe được giải thích, nếu họ quá bận rộn hoặc vô tình thì người bệnh sẽ chịu thiệt thòi. Bệnh viện cần ý thức được về 4 quyền của khách hàng để thực thi các tiêu chuẩn cần thiết đảm bảo quyền lợi của khách hàng - người bệnh, nhìn giữ được khách hàng cho bệnh viện trong dài hạn.

Sau cùng, tôi xin dùng sơ đồ sau để phân tích trách nhiệm của nhà quản lý và thầy thuốc trong mối quan hệ tương tác với người bệnh - khách hàng (theo nguyên lý 80/20 của Pareto):


Theo cách đề xuất này của tôi, bác sĩ trong tương tác với khách hàng hàng ngày vẫn với tâm thức của người thầy thuốc quan tâm đến người bệnh, thực hiện mọi trách nhiệm nghề nghiệp vì quyền lợi của người bệnh như đúng vai trò của người thầy thuốc từ trước đến giờ. Nhưng bác sĩ cần nhận thức họ cũng là khách hàng và họ có những quyền cơ bản thuộc của khách hàng mà bác sĩ cần tôn trọng để đảm bảo mối quan hệ công bằng, tạo dựng sự tin tưởng và hợp tác giữa hai bên cùng đấu tranh vượt qua bệnh tật. Và thực tế là việc tôn trọng các quyền của khách hàng giúp bác sĩ được tôn trọng hơn, tin tưởng hơn và dễ có thương hiệu uy tín hơn – tin tôi đi, tôi thấy nhiều rồi. Còn về phía nhà quản lý bệnh viện, bạn phải có cách tư duy ưu tiên theo khía cạnh khách hàng để thu hút và giữ chân được họ cho bệnh viện và chỉ cần một tỷ lệ quan tâm hợp lý về khía cạnh tâm lý và bệnh lý của các nhóm khách hàng để có các điều chỉnh các nội dung và thủ tục dịch vụ hợp lý. 

MARKETING: THUYẾT PHỤC vs TRẢI NGHIỆM

Có bệnh viện truyền thông ồ ạt và thu hút được lượng khách hàng lớn nhưng cũng có bệnh viện truyền thông rất ít mà vẫn có đông bệnh nhân. Bạn phân vân không hiểu tại sao có sự đối ngược trong truyền thông mà kết quả nhìn thấy là lượng khách hàng của 2 bệnh viện này vẫn đạt như mong muốn. Đó là do họ chọn 2 xu hướng (mô hình) thực hiện Marketing khác nhau mà bạn có thể hiểu thêm qua bài viết này.

Marketing bệnh viện là tiến hành liên tục thường xuyên 4 nhóm công việc: “hiểu khách hàng”, “làm tốt dịch vụ”,“truyền thông” và “tạo ra trải nghiệm tốt” 

Từ sơ đồ trên, có thể thấy Marketing bệnh viện là phải làm nhiều hơn nói và những nhóm hoạt động “hiểu khách hàng”, “làm tốt dịch vụ”, “tạo ra trải nghiệm tốt” tốn rất nhiều công sức, chi phí và thời gian hơn việc “truyền thông” nên trong thực tế Marketing bệnh viện được hình thành hai xu hướng khác nhau: Marketing thuyết phục và Marketing trải nghiệm. 

  • Marketing thuyết phục tập trung vào truyền thông, bệnh viện tận dụng mọi hình thức và kênh truyền thông nhằm tạo ra một hình ảnh tích cực về bệnh viện nhằm lôi kéo thu hút sự chú ý của cộng đồng (và thường tốt đẹp hơn, ưu việt hơn những gì mà bệnh viện đang cung cấp). Marketing thuyết phục tập trung vào việc tạo phễu Marketing và hút khách hàng đến để “chốt đơn” (khái niệm ám chỉ việc khách hàng ra quyết định mua và trả tiền) hơn là những trải nghiệm của khách hàng tại bệnh viện và sự hài lòng của khách hàng đối với trải nghiệm đó.
  • Marketing trải nghiệm tập trung vào hành động, bệnh viện nỗ lực hiểu khách hàng, nỗ lực mang lại những dịch vụ tốt nhất và trải nghiệm tốt nhất trong khả năng cho khách hàng để từ đó có cơ sở cho việc thực hiện truyền thông ở mức phù hợp. Marketing trải nghiệm tập trung vào trải nghiệm của khách hàng tại bệnh viện nhằm làm cho họ thực sự hài lòng và đánh giá cao dịch vụ, lấy đó làm cơ sở truyền thông mà trong đó truyền thông tại chỗ và truyền miệng đóng vai trò chủ đạo. Theo quan điểm của tôi, đây là xu hướng Marketing chủ đạo cho bệnh viện để phát triển bền vững.

Trong thực tế, việc lựa chọn xu hướng Marketing nào cũng mang lại những lợi ích và thiệt hại tương ứng nên ban giám đốc bệnh viện cần nhận thức được đầy đủ để đưa ra lựa chọn phù hợp với thực tế của bệnh viện mình.

Vì nói bao giờ cũng dễ hơn làm nên trong thực tế xu hướng Marketing thuyết phục được nhiều bệnh viện theo đuổi thực hiện, nhất là bệnh viện tư nhân, xu hướng này đã làm cho nhiều nhà quản lý bệnh viện có cái nhìn sai lệch về Marketing rằng Marketing là truyền thông. Bản thân những người trực tiếp làm Marketing cũng thích xu hướng Marketing thuyết phục bởi vì họ dễ thể hiện mình hơn, dễ tạo ra các kết quả nhìn thấy được để ghi điểm với ban giám đốc. Nhiều ban giám đốc bệnh viện cũng thích Marketing thuyết phục vì nó mang lại ngay kết quả cho bệnh viện giúp bệnh viện sớm có được nguồn khách hàng và nguồn thu cần thiết, khẳng định được vị thế của ban giám đốc đối với chủ đầu tư và với nhân viên.

Marketing thuyết phục

Marketing trải nghiệm

Ưu điểm

·      Triển khai thực hiện nhanh

·      Sớm có kết quả thu được

·      Dễ thuê dịch vụ ngoài

Ưu điểm

·      Chi phí truyền thông thấp

·      Tỷ lệ khách hàng hài lòng cao

·      Phát triển bền vững mà ít phụ thuộc truyền thông

Nhược điểm, hạn chế

·      Chi phí cho truyền thông cao

·      Dễ bị phản tác dụng (do nói hay hơn thực tế) gây ra tình trạng không hài lòng của khách hàng

·      Phụ thuộc vào truyền thông để duy trì nguồn khách hàng trong dài hạn

Nhược điểm, hạn chế

·      Triển khai thực hiện mất nhiều thời gian công sức, đòi hỏi có lộ trình từng giai đoạn

·      Chậm có kết quả tăng trưởng

·      Phải vận hành cả bộ máy quản lý đồng bộ để đạt kết quả


Marketing thuyết phục

(+) Khi đã quyết định thực hiện thì việc triển khai có thể rất nhanh, chỉ cần từ 2-8 tuần là bệnh viện có thể có một đội ngũ truyền thông đủ mạnh để bắt đầu các chiến dịch truyền thông cho mình và bắt đầu chạy truyền thông mạnh mẽ trên các nền tảng miễn là có đủ ngân sách. Thậm chí, bệnh viện có thể thuê dịch vụ ngoài từ các Agency để khởi động một chiến dịch truyền thông thực sự chuyên nghiệp và mạnh mẽ chỉ sau 2-3 tuần, tất nhiên với ngân sách đủ lớn. Và theo đó, lượng người quan tâm và đến bệnh viện chắc chắn sẽ tăng (mức tăng có tương ứng với chi phí hay không thì còn tùy thuộc rất nhiều vào đặc thù bệnh viện và dich vụ, đặc thù bệnh lý, năng lực của đội ngũ truyền thông...)

(-) Vì phải tiếp cận số đối tượng rất lớn trong cộng đồng (nhằm tạo phễu Marketing) bằng truyền thông đại trà và nhiều kênh chọn lọc khác theo đặc thù dịch vụ bệnh viện nên việc tiêu tốn ngân sách là không nhỏ. Để thu hút khách hàng, đội ngũ truyền thông sẽ có xu hướng nói hay nói tốt về dịch vụ (thường hay nói quá lên để tạo ấn tượng) dẫn đến tỷ lệ cao khách hàng không hài lòng vì thực tế không như kỳ vọng của họ. Và về lâu dài, với cách kiếm được khách hàng nhờ phễu Marketing truyền thông kiểu này, bệnh viện sẽ phụ thuộc vào truyền thông để tồn tại, cứ giảm hoặc ngừng truyền thông là giảm lượng khách hàng và doanh thu ngay. Thực tế không ít bệnh viện đang phải trăn trở tìm giải pháp giảm phụ thuộc truyền thông, có bệnh viện chuyên khoa chia sẻ với tôi rằng họ đã hoạt động đến năm thứ 5 nhưng vẫn phải chi gần 10% doanh thu cho truyền thông vì cứ giảm chi là giảm doanh thu; bên cạnh đó cũng nhiều bệnh viện tư nhân chọn cách chơi này và chấp nhận chi phí truyền thông như là một phần của giá thành dịch vụ và người gánh chịu cuối cùng là khách hàng.

 

Marketing trải nghiệm

(+) Bệnh viện không phải thực hiện các chiến dịch truyền thông lớn nên về cơ bản không quá lo lắng về ngân sách cho hoạt động này. Theo xu hướng này, bệnh viện sẽ mất nhiều công sức để tìm hiểu khách hàng, hoàn thiện chỉnh chu dịch vụ cả chuyên môn và phục vụ nên tỷ lệ khách hàng hài lòng sẽ đạt mức cao. Theo mô hình hòn tuyết lăn, càng phục vụ thành công nhiều khách hàng, bệnh viện càng có uy tín và hình ảnh được lan truyền một cách rộng rãi bền chắc mà không cần phải tiêu tốn cho truyền thông (hoặc tốn rất ít).

(-) Để tăng trưởng đòi hỏi bệnh viện phải rất kiên trì, thời gian để đạt được số lượng khách hàng và doanh thu mong muốn tính bằng nhiều tháng cho đến vài năm (tùy dịch vụ của bệnh viện và đặc thù vùng dân cư). Không những thế, để làm dịch vụ tốt giúp khách hàng có trải nghiệm tốt đòi hỏi cả bộ máy cùng phải vận hành tích cực và đồng bộ, phải liên tục nâng cấp và điều chỉnh.

 

Hai xu hướng này có thể ví như hai cách mà loài người có thể chọn để kiếm thức ăn: Marketing thuyết phục giống như đi săn bắn hái lượm còn Marketing trải nghiệm giống như trồng trọt chăn nuôi. Ưu nhược điểm của hai cách này thì tôi không cần phân tích thêm vì chúng ta đều đã thấu hiểu. Ban giám đốc bệnh viện cần hiểu được 2 xu hướng Marketing này để vận dụng cho phù hợp với bệnh viện mình tùy theo từng bối cảnh:

  • Marketing thuyết phục là cần thiết khi bệnh viện phát triển dịch vụ mới, kỹ thuật mới hay mở rộng đến địa bàn dân cư mới hoặc bệnh viện muốn tạo bước ngoặt sau một số cải tổ lớn của bệnh viện về quy mô và năng lực hoạt động. Marketing thuyết phục đặc biệt cần thiết để tạo ra lượng khách hàng ban đầu cho các bệnh viện mới được hình thành và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, dịch vụ y tế không có tính bùng nổ và biên lợi nhuận không cao nên việc chi phí quá nhiều cho truyền thông chắc chắn dẫn đến việc tăng giá dịch vụ hoặc cắt giảm chi phí gây ảnh hưởng chất lượng, cả hai hệ quả này đều cản trở sự phát triển bền vững của bệnh viện. Tuy nhiên, nếu bệnh viện có kế hoạch phát triển khách hàng hợp lý và có một khoản ngân sách đầu tư (không tính ngay vào giá trong ngắn hạn mà phân bổ thu lại dần trong thời gian dài) cho một chiến dịch truyền thông thì truyền thông sẽ giúp bệnh viện có được cú huých để tăng lượng khách hàng và đạt nhiều mục tiêu Marketing khác.
  • Marketing trải nghiệm có ý nghĩa xuyên suốt trong quá trình phát triển của bệnh viện nhằm tạo sự phát triển cân bằng bền vững, phù hợp với nền tảng của dịch vụ y tế. Việc ít phụ thuộc vào truyền thông đại trà mà chủ yếu dựa vào sự tín nhiệm và truyền miệng giúp cho bệnh viện có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng với mức giá hợp lý lại càng làm tăng hiệu ứng truyền miệng, thu hút thêm khách hàng theo mô hình hòn tuyết lăn. Thực hiện Marketing trải nghiệm cũng giúp cho bệnh viện liên tục thực hiện - đánh giá - điều chỉnh - thực hiện (tương tự như mô hình P-D-C-A trong quản lý chất lượng) nên sẽ liên tục đổi mới nâng cấp dịch vụ đồng hành cùng sự phát triển của khách hàng và xã hội.

Nội dung này có trong một cuốn sách của tôi là "Marketing bệnh viện thực hành" - Tập 1: Khởi động (xuất bản 6/2022)

CẤU TRÚC BỘ PHẬN MARKETING CHO BỆNH VIỆN

Bộ phận Marketing có thể được coi như đội trinh sát trong quân đội, như hoa tiêu trên tàu biển nên bộ phận Marketing phải là lực lượng tinh nhuệ gồm những cá nhân nhiệt huyết với bệnh viện, có tư chất và kỹ năng tốt để đảm nhiệm được các trọng trách này. Thế nhưng một thực tế rất buồn mà tôi thường thấy ở nhiều bệnh viện là họ “tống” vào bộ phận Marketing (hoặc Chăm sóc khách hàng, Công tác xã hội) những nhân sự thuộc nhóm “không biết làm cái gì” và “không biết xếp vào đâu” như thể đây là cái thùng rác của nhân sự bệnh viện.

Với thực tế bệnh viện hiện nay, điều quan trọng là có bộ phận chuyên trách Marketing đảm nhiệm các chức năng của Marketing cho bệnh viện mà không nhất thiết phải là phòng ban hay một loại hình tổ chức nào tương tự, vì thế bộ phận Marketing có thể là một trong những hình thức tổ chức sau:

  • Một nhóm chuyên trách độc lập thuộc phòng kế hoạch tổng hợp hoặc công tác xã hội của bệnh viện
  • Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đảm nhiệm luôn chức năng nhiệm vụ Marketing.
  • Một phòng Marketing độc lập hoàn toàn hoặc phòng Kinh doanh Marketing gộp chung (bệnh viện tư nhân)
  • Một ban kiêm nhiệm gồm các trưởng phòng (kế hoạch tổng hợp, công tác xã hội, quản lý chất lượng, điều dưỡng) dưới sự điều phối của một phó giám đốc

Có một câu hỏi tôi thường được các bệnh viện hỏi là “Phòng Marketing cần bao nhiêu nhân lực thì đủ?” và câu trả lời của tôi luôn là “Tùy”. Tùy vào xu hướng Marketing mà bệnh viện theo đuổi là Thuyết phục hay Trải nghiệm, tùy vào định hướng chiến lược phát triển của bệnh viện hiện nay, tùy vào quy mô và cách tổ chức của bệnh viện, tùy vào sự hợp tác của các khoa điều trị ... Khi có đủ các dữ liệu này, bệnh viện sẽ xác định được lượng công việc theo từng nhóm chức năng của Marketing (như đã đề cập ở trên) để xác định được số nhân sự cần thiết cho bộ phận Marketing. Một yếu tố quyết định số lượng nhân lực cho bộ phận Marketing là loại cấu trúc của mà bệnh viện lựa chọn bộ phận này là Tập trung và Phân tán (theo cách gọi của tôi) tùy theo thực tế quy mô nhân lực bệnh viện, phân tuyến, sở hữu công tư ...

1. Bộ phận Marketing theo cấu trúc Tập trung

Bộ phận Marketing lớn, nhiều nhân lực được chia thành các nhóm: truyền thông và quan hệ báo chí, chăm sóc khách hàng và tổng đài, nghiên cứu phát triển và khảo sát thị trường (R&D)... thực hiện trực tiếp phần lớn các hoạt động Marketing; thậm chí chia thành các nhóm Marketing chuyên trách cho các khoa, các trung tâm của bệnh viện

Theo cấu trúc này, mọi hoạt động chính của Marketing đều được tập trung về trong bộ phận Marketing (mà thực tế lúc này là quy mô Phòng Marketing) để thực hiện, các khoa phòng chỉ đóng vai trò hỗ trợ về thông tin chuyên môn, thông tin người bệnh và ca bệnh hoặc hỗ trợ Marketing thực hiện các hoạt động chăm sóc khách hàng, khảo sát tại khoa. Phòng Marketing sẽ trực tiếp kết nối, chăm sóc khách hàng, truyền thông, nghiên cứu khảo sát ... tới khách hàng và cộng đồng dân cư các địa bàn.

Cách cấu trúc Tập trung này có những đặc điểm như sau:

Ưu điểm:

- Tập trung được tổng lực cho các hoạt động Marketing tạo được điểm nhấn truyền thông mạnh

- Dễ kiểm soát được hoạt động Marketing theo chiến lược phát triển của bệnh viện

- Có khả năng thực hiện tốt các hoạt động ngoại tuyến, sự kiện truyền thông nhờ đội ngũ chuyên trách đông đảo

- Thuận lợi trong việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ chuyên trách Marketing của bệnh viện

Nhược điểm:

- Tốn nhân lực và chi phí

- Có khoảng cách giữa nhân viên Marketing với thực tế khoa điều trị nên dễ có xu hướng “quan liêu” và “nói hay hơn thực tế” trong truyền thông

- Nhân viên y tế (tại các khoa) có xu hướng chỉ tập trung đảm bảo trách nhiệm chuyên môn mà lơ là việc tương tác với người bệnh/khách hàng vì tư tưởng “đã có phòng Marketing lo”

 Cách cấu trúc Tập trung phù hợp với các điều kiện thực tế sau:

  • Bệnh viện chuyên khoa (nhóm khách hàng mục tiêu hẹp)
  • Bệnh viện đa khoa quy mô lớn (trên 1.000 giường) và chiến lược phát triển cần thực hiện các chiến dịch Marketing lớn cho bệnh viện.
  • Bệnh viện có xu hướng thiên về Marketing thuyết phục do đặc thù dịch vụ (như Thẩm mỹ, dịch vụ kỹ thuật cao vì phải khấu hao nhanh trang thiết bị) hay do mục đích của chủ sở hữu (muốn tăng trưởng “nóng”) hay do cách thức vận hành của ban giám đốc (tạo phễu lớn để đạt được số lượng khách hàng thực dùng đáp ứng đủ chỉ tiêu đặt ra)

 

2. Bộ phận Marketing theo cấu trúc Phân tán

Bộ phận Marketing nhỏ hoạt động chủ yếu mang tính đầu mối điều phối các hoạt động Marketing, hỗ trợ các khoa phòng thực hiện truyền thông và chăm sóc khách hàng. Với cấu trúc này, mỗi khoa nội trú cần có một nhóm nhân viên y tế cùng hợp tác hỗ trợ truyền thông (tạo thành mạng lưới truyền thông nội viện) và thực hiện các hoạt động chăm sóc khách hàng tại khoa. Các hoạt động Marketing từ đảm bảo chất lượng dịch vụ, mang lại các giá trị và sự thuận tiện cho đến truyền thông bằng ngôn ngữ - phi ngôn ngữ được phân công để cùng phối hợp thực hiện trên toàn bệnh viện, từ bộ phận Marketing cho đến các khoa điều trị và phòng chức năng

Cách cấu trúc Phân tán này có những đặc điểm như sau:

Ưu điểm:

- Tiết kiệm các nguồn lực

- Hoạt động Marketing gần với thực tế nhất, tương tác với khách hàng trực tiếp nên khả năng đạt hiệu quả do người bệnh/khách hàng thấy tin tưởng vì “nói đi đôi với làm” (phù hợp với xu hướng Marketing trải nghiệm)  

Nhược điểm:

- Chỉ thực hiện được khi các trưởng khoa đồng thuận và ủng hộ

- Hạn chế trong việc phát triển ngoại tuyến, sự kiện và chiến dịch truyền thông chung của bệnh viện

- Nhân viên y tế (tại các khoa) kiêm nhiệm nên dễ bị thiếu tập trung và rời rạc, bệnh viện khó có thể “nâng cấp” kỹ năng Marketing cho toàn bệnh viện một cách đồng bộ chuyên nghiệp.

 

Cách cấu trúc Phân tán phù hợp với các điều kiện thực tế sau:
  • Bệnh viện đa khoa nhỏ và trung bình
  • Bệnh viện có xu hướng thiên về Marketing trải nghiệm, dịch vụ y tế phổ biến không bị áp lực khấu hao nhanh trang thiết bị công nghệ cao, ban giám đốc muốn phát triển bền vững dù hơi chậm.


Vậy thì bệnh viện của bạn chọn loại cấu trúc nào?

Hai loại cấu trúc này thể hiện 2 xu hướng tạo lập và vận hành bộ phận Marketing tùy thuộc vào thực tế bệnh viện nên bệnh viện thấy cấu trúc nào phù hợp thì chọn, cách nào cũng có ưu nhược điểm và trong quá trình vận hành phải tìm cách tận dụng ưu điểm và cố gắng cải thiện, khắc phục nhược điểm mà thôi – quản lý luôn phải làm như thế. Trong thực tế, 2 loại cấu trúc này có thể được kết hợp trong một số trường hợp đặc biệt như bệnh viện đa khoa quy mô rất lớn (2.000-3.000 giường) được chia thành các Viện, các Trung tâm với rất nhiều khoa chuyên sâu thì việc duy trì Phòng Marketing lớn của bệnh viện kết hợp với các nhóm nhân viên kiêm nhiệm Marketing tại Viện/Trung tâm mới có thể đảm nhiệm được hết các công việc cần thiết, đảm bảo Marketing vừa sâu vừa rộng cho phù hợp với loại hình đặc biệt của bệnh viện.


Nội dung này có trong một cuốn sách của tôi là "Marketing bệnh viện thực hành" - Tập 1: Khởi động (xuất bản 6/2022)