Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

CÁI TÔI CỦA NGƯỜI THẦY

1998
Khi đó tôi đang là giảng viên của Phân hiệu ĐH Y Hà Nội tại Hải Phòng (tiền thân của trường ĐH Y Dược Hải Phòng ngày nay); vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo dù cả 2 chức danh thầy này đều còn non và xanh lắm vì tôi vừa tốt nghiệp năm 1997 và thi vào trường luôn. Một cậu trai con nhà nghèo quyết tâm và nỗ lực đạt được ước mơ của mình là trở thành thầy thuốc + thầy giáo đã đưa ra một quyết định tự tước bỏ đi 2 chữ thầy của chính mình chỉ sau 8 tháng làm việc: tôi xin nghỉ việc ở trường (và tất nhiên là nghỉ ở bệnh viện luôn).

1999
Xách cặp đi làm trình dược viên từ khi bỏ nghề thầy, một công việc "kẻ khen, người chê" ở thời đó và cả bây giờ, tôi vẫn ra vào bệnh viện nhưng không còn là thầy nữa mà là người phát triển việc bán hàng cho hãng thuốc đến gặp khách hàng của mình là các bác sĩ trong đó có nhiều người từng là thầy của tôi ở trường đại học.
Một thầy giáo của tôi lúc này đã là khách hàng thân thiết nên nhân một thời điểm ngồi hàn huyên tôi xin phép được đổi cách gọi từ thầy sang anh cho dễ giao tiếp trong công việc và câu trả lời của ông ấy thực sự làm tôi sốc: "Gọi thế nào cũng được, gọi là mày cũng được miễn là chúng ta yêu quý, tôn trọng nhau và chơi được với nhau". Thế là từ đó, tôi gọi ông ấy là anh (dù tuổi ông ấy có thể gọi là chú), chúng tôi quý nhau, tôn trọng nhau và chơi với nhau. Vài năm sau, anh ấy ra đi vì ung thư gan. Trong đám tang ấy, tôi cũng cố len vai vào cùng những người bạn bè khác của anh để khênh chiếc quan tài tiễn anh ấy đi, một việc mà tôi coi như lời chào gửi đến anh lần cuối. Trong tâm khảm tôi, anh ấy mãi là người thầy của mình cho dù chúng tôi đã bỏ đi chữ thầy trong xưng hô thường nhật, và đến giờ sau 20 năm tôi vẫn nhớ rất nhiều điều mà thầy tôi đã nói.

2011
Tôi lại quay lại làm thầy sau khi nhận được lời mời từ ĐH Y tế Công cộng Hà Nội, khi bế giảng môn của mình tôi thường sẽ nói với mọi người rằng sau này cứ xưng hô với tôi thế nào tuỳ ý, không cứ phải gọi thầy nữa. Bởi vì với tôi, tiếng thầy dễ trở thành một lớp bọc thép cho sự tự tôn của mỗi người, dễ làm cho người ta nghĩ mình giỏi hơn - lớn hơn - có quyền hơn - có ảnh hưởng hơn người gọi mình bằng thầy, rằng người ta cần đến mình và phải coi trọng mình.

Thực tại 2019
Bạn đọc đến tận đây cơ à 😉, nghe tôi kể lể không chán à 😅, mà rốt cục tôi định nói gì nhỉ 😂 

Tôi muốn nói rằng, những người đang làm thầy hãy bỏ chữ thầy trong suy nghĩ của mình đi vì đó chỉ là cái vỏ tự tôn đang ngăn trở chính mình, nó giống như vỏ hạt cây hay vỏ quả trứng mà mầm cây hay chú gà con phải phá vỡ để vươn lên. Thầy thuốc với bệnh nhân cá nhân tôi nghe đã thấy bất bình đẳng rồi, nhiều nơi còn gọi thầy thuốc với con bệnh nữa thì còn tệ hơn nữa. Thế là người bác sĩ cảm nhận được quyền lực của mình, tự tạo ra các quyền uy - vị thế của mình và huyễn hoặc bản thân rằng mình là một cái gì đó vĩ đại lắm đối với người đang cần mình chữa bệnh cho. Kết quả là sự xem thường, không tôn trọng và tước đoạt các quyền mà khách hàng đáng phải có.

Cuối tháng 6 vừa rồi, tôi đến thăm một bệnh viện tư nhân nằm trên địa bàn một tỉnh sát ngay Hà Nội theo lời mời của đại diện ban giám đốc. Theo thói quen, tôi đến trước giờ hẹn và xông thẳng vào phòng khám đăng ký khám một cái bệnh tôi luôn sẵn sàng mang theo mình: đau lưng. Sau khi dở đủ trò khó khăn với các bạn đăng ký (và phải thừa nhận là các bạn ấy làm đủ tốt) tôi được đến gặp bác sĩ. Ngồi trong phòng khám là một nữ bác sĩ còn rất trẻ, chắc chắn dưới 10 năm nghề thôi nếu như không muốn nói là 5-6 năm gì đó, đón tôi bằng vẻ mặt của Bà Chúa Tuyết. Tôi nói "chào bác sĩ" còn bạn ấy chỉ gật đầu thật nhẹ, xin nói rõ là mặt tôi cũng già rồi và được gọi là chú cũng đã vài năm nay. Duy trì gương mặt gần như vô cảm, nữ bác sĩ hỏi tôi bị sao, đau lâu chưa, có cúi được không rồi yêu cầu tôi quay lưng vạch áo và ấn nhẹ vào 2-3 cái đốt sống thắt lưng khốn khổ của tôi trong vòng 2-3 giây gì đó. Bà Chúa Tuyết ghi cho tôi 2 cái giấy chụp X-quang và MRI trong khi giải thích với giọng không khá gì hơn lúc hỏi bệnh về việc thực hiện 2 cái CĐHA này. Tôi cảm ơn bác sĩ và đứng dậy chào tiếp lần nữa (cố tình mà) thế nhưng bác sĩ có vẻ bận với việc yêu cầu điều dưỡng gọi người bệnh tiếp theo hơn là đáp lễ cái bệnh nhân này nên tôi đành lủi thủi đi ra.

Sao thế nhỉ? Tôi còn nhớ khi mình là sinh viên y, chúng tôi thường mách nhau về các bệnh nhân có triệu chứng đặc biệt để rủ nhau đến khám và nếu may mắn gặp được bệnh nhân tốt bụng cho khám thoải mái thì ra sức hỏi bệnh, rồi nhìn - sờ - gõ - nghe và sau đó rối rít cảm ơn họ trước khi rời đi; tôi nghĩ sinh viên giờ chắc cũng thế. Thế mà khi thành bác sĩ, thành thầy thuốc và rồi thành ABC này nọ chúng ta lại coi việc hỏi han, sờ tay vào người bệnh như là việc ban ơn cho họ là vì sao? Có phải khi thành thầy rồi thì mình trở nên vĩ đại và họ trở nên nhỏ bé tầm thường? Có phải cái tôi giờ đã quá lớn đến mức che lấp mọi suy nghĩ về công việc khi ta chọn nghề y vì nó là việc giúp người, giúp đời? Nếu thế thì tiếng thầy thật là đáng trách, cái tôi thật là đáng bỏ vì ta càng lớn càng xa rời cái tử tế cần thiết của một người hành nghề y.

Vài lời tâm sự của một bác sĩ (đã bỏ nghề, chưa bỏ nghiệp) chia sẻ khi đang lên cơn (khùng), thật tâm mong các bạn đồng nghiệp đừng khó chịu mà hãy tĩnh tâm nghĩ lại nếu có đúng 1% nào đó thì xin hãy điều chỉnh (và bỏ quá cho 99% sai trong lời nói của tôi). Xin cảm ơn mọi người lắm lắm.




Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

CÂY THÔNG CỦA NHỮNG CHÚ LÙN

Chắc chắn đây không phải là câu chuyện về những chú lùn trong chuyện cổ Grimm, đây là những chú lùn theo một kiểu lùn rất khác trong câu chuyện của Bs Hiệp.

Ở một ngôi làng nọ, có 3 chú lùn có tên là Tiến Bộ, Mưu Mô và Tham Quyền sống với nhau trong một ngôi nhà vườn be bé, xinh xinh. Họ hạnh phúc với ngôi nhà bé xíu và vườn cây cũng bé xíu của mình nơi mà hàng ngày họ cùng vun tưới, xén tỉa những cây hoa bé xíu có những bông hoa bé tẹo, những quả ngọt tí hon... Tiến Bộ là người tiến bộ, chú luôn muốn cho ngôi nhà chung ngày càng đẹp hơn, tốt hơn. Tham Quyền là người hiểu về các loài hoa nên được cả nhóm tin tưởng giao phó việc chăm sóc cả khu vườn còn Mưu Mô là kẻ được lợi nhất vì chú rất tham ăn, chú ăn tất cả các loại quả, các cây nấm và cả các chú giun đất trong vườn nhà.

Mọi chuyện trôi qua êm đềm cho đến một mùa Giáng sinh năm ấy, khi Tiến Bộ đến thăm một người bạn trong làng và sững sờ trước vẻ đẹp của một cây thông được trồng trong sân nhà anh ta. Cây thông vươn cao thẳng tắp với tán lá xanh dày xoè rộng đã tạo một ấn tượng sâu sắc với Tiến Bộ làm cho chú chạnh lòng khi nghĩ về khu vườn nhà mình. Trên đường về, trong đầu chú chỉ có hình ảnh của cây thông và câu nói đầu tiên của Tiến Bộ với hai người bạn của mình khi vừa về đến nhà là "Chúng ta phải trồng ngay một cây thông trong vườn nhà mình". Dù chưa biết cây thông sẽ ra sao, Mưu Mô và Tham Quyền vẫn đồng thuận với Tiến Bộ vì họ không muốn làm mất lòng chú vì cả hai vốn xem Tiến Bộ như là anh cả trong nhà, nhưng trong thâm tâm mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Ngày hôm sau, Tiến Bộ mang về nhà một cây thông non và họ cùng trồng cái cây ngay chính giữa sân. Sau nỗ lực của cả nhóm (mà chủ yếu là của Tiến Bộ) cây thông non chỉ cao chừng hơn 1 mét đã đứng vững trên mảnh sân và cả 3 cùng ngắm nhìn thành quả của nhóm với những ý nghĩ khác nhau đang lơ lửng trong đầu. Hai tháng trôi qua, cây thông non gặp đất màu mỡ và khí hậu phù hợp đã lớn nhanh như thổi vươn lên đến hơn 2 mét và xoè tán ra che một phần lớn khu vườn (vườn nhỏ mà ^_^), điều này khiến Tiến Bộ vô cùng phấn khích nhưng lại làm Tham Quyền cảm thấy hơi lo lắng còn Mưu Mô thì thực sự khó chịu. Tại sao nhỉ? Vì Mưu Mô thấy rõ cây thông đang lấn át khu vườn và làm cho chú có nguy cơ mất đi các quả ngọt, cây nấm và mấy con giun đất còn Tham Quyền thì lo lắng vì chú chỉ biết cách chăm sóc mấy cây hoa nhỏ chứ chẳng biết gì về thông cả.

Mưu Mô vốn tham lam nên sẽ rất mưu mô (hợp với tên đấy chứ) lập tức lôi Tham Quyền ra một góc và thủ thỉ: "Này cậu, tớ thấy cây thông này chẳng có gì hay ho cả nhưng Tiến Bộ lại quá ham hố với nó. Vườn nhà chúng ta vốn đã đẹp rồi, cậu vốn đã là người chăm vườn tốt nhất trong 3 đứa rồi thế mà giờ có thêm cây thông thì cậu sẽ không đảm đương được, có khi lại phải thuê người chăm rồi nếu họ chăm tốt thì cậu sẽ không còn là người quan trọng nhất của khu vườn này nữa". Còn điều gì hợp với tai và óc của Tham Quyền hơn câu này nữa, vì nó đúng với lo lắng của chú.

Thế là ngày hôm sau, ngôi nhà của 3 chú lùn có một cuộc họp thực sự nghiêm túc mà chủ đề không gì khác ngoài cây thông. Mưu Mô lên tiếng đầu tiên: "Trước hết, tôi thấy trồng cây thông là một việc đúng đắn (ngu gì nói là không đúng, thế chẳng khác gì tự nhận mình là kẻ cong queo) tuy nhiên vườn nhà mình đang vốn rất đẹp nếu cây thông lớn hơn nữa sẽ phá vỡ tổng thể đang vốn rất đẹp này (cũng không ngu gì nói là mình sẽ mất đi các nguồn lợi cá nhân béo bở đang có). Vì thế, tôi nghĩ nên hạn chế chiều cao của cây thông dưới 2 mét thôi, vừa có cây thông vừa giữ được cái vườn vốn đang rất đẹp".... Ha ha ha, sao mà lắm câu "vốn đang rất đẹp" thế không biết.
Tiếp đến là Tham Quyền: "Tôi cũng thấy là cây thông thật là đẹp, nó sẽ làm cho khu vườn của chúng ta hoàn hảo nhưng đúng như anh Mưu Mô nói, mình phải ưu tiên việc duy trì được khu vườn xinh xắn của mình, mất bao công sức mình mới có được khu vườn đẹp như thế (thành quả của mình đấy, đừng hòng đưa đứa nào về làm vườn cạnh tranh với mình được đâu nhá), vườn đang đẹp thế rồi nên tôi cũng thấy là nên cắt ngọn cây đi là đúng nhất. Vườn mình đang đẹp thế mà!"
Tiến Bộ phân vân lắm, chú thừa biết là cái cây thông mà cắt ngọn để hạn chế chiều cao thì còn gì là cây thông mà chú ao ước nữa, nhưng phản đối 2 người kia thì kết quả ra sao? Tham Quyền mà giận thì còn chịu chăm vườn nữa không? Mưu Mô mà phá thì nhà còn vui không? Với tâm tư đó, Tiến Bộ nhìn lại thì thấy 2 người họ nói cũng đúng: vườn đang đẹp rồi mà...
Kết quả đã rõ, các chú lùn đã có một cây thông LÙN thật là "đẹp" cao chừng mét mốt với ngọn bị cắt cụt.

Chắc rằng khi tưởng tượng về cái cây trong câu chuyện tôi kể bạn sẽ thấy nó trông xấu xí và méo mó như thế nào và không thể tin là có thể có cây nào như thế trong đời thực. Thế nhưng, trong thực tế công việc thì tôi lại gặp phải không ít phiên bản của nó. Trong gần mười năm qua, các bệnh viện Việt Nam cả tư nhân và công lập đều đã chuyển biến tích cực hơn trong dịch vụ, bệnh viện quan tâm nhiều hơn đến xây dựng dịch vụ tiêu chuẩn (thậm chí đánh sao cho các mức tiêu chuẩn ấy) và văn hoá tổ chức nhằm hoàn thiện để phát triển, để cạnh tranh... Nhưng, vâng đúng chữ nhưng ấy, trong nhiều bệnh viện có quá nhiều Tham Quyền và Mưu Mô nên chúng ta có quá nhiều những "cây thông lùn" trong văn hoá bệnh viện, trong dịch vụ khách hàng, trong quản trị vận hành... Họ đủ giả dối để không thể hiện sự phản đối với Tiến Bộ vì lợi ích riêng của họ nên họ đã tạo ra những thứ "trong héo, ngoài tươi"; họ đủ sự ảnh hưởng để Tiến Bộ không dám phản đối; họ đủ quyền lực để cắt ngọn cây thông...

Một bệnh viện tư nhân muốn thay đổi toàn diện dịch vụ và văn hoá nhưng nhất cử nhất động mọi việc đều phải xin ý kiến thông qua của vị phó giám đốc phụ trách chuyên môn, kể cả trang phục hay lịch đào tạo???
Một bệnh viện tư nhân đang có một bộ phận chuyên trách truyền thông sau khi mời về một vị giám đốc điều hành (từ đơn vị công lập sau nghỉ hưu) đã quyết định đổi thành Công tác xã hội???
Họ chính là các Tham Quyền và họ sẽ được rỉ tai về sự VẪN ĐANG TỐT bởi rất nhiều các Mưu Mô mà quyền lợi (về cơ bản là ăn bẩn, ăn thỉu) gắn liền với sự vận hành cũ kỹ. Và sau cùng, những Tiến Bộ thiếu dũng cảm và tầm nhìn, chấp nhận sống chung với cái "cây thông lùn" với sự tự ám thị rằng VẪN ĐANG TỐT.

Sẽ có người phản biện rằng "đổi mới phải tiến hành từ từ, từng bước không thể đập hết làm lại được, như thế mới là quản trị". Đừng bao giờ nhầm lẫn khái niệm "từng bước" với sự lai tạp, méo mó và giả dối do những kẻ Tham Quyền và Mưu Mô tạo ra. Thay đổi có thể từng phần, từng bước nhưng không thể có ngoại lệ, không thể có vùng cấm, không thể có sự lấn quyền lạm quyền ... nếu không thì chúng ta còn nhiều "cây thông lùn" lắm.

TÂM TƯ CỦA MỘT BÁC SĨ DỞ HƠI LẮM ĐIỀU, HI HI...