Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

VÌ SAO BÂY GIỜ NHIỀU NGƯỜI DÂN GHÉT BÁC SĨ, GHÉT NGÀNH Y?

Thật là nghịch lý, sao người ta lại ghét những người chữa bệnh cho mình nhỉ???

Đầu năm 1988, khi đó tôi còn là cậu học trò cấp 3 với ý định mơ hồ là sẽ thi khối A vào Bách Khoa theo ngành điện hoặc điện tự động vì tôi thích nghịch mấy thứ đó. Một ngày đẹp trời, tôi bị đau bụng phải nhập viện và lên bàn mổ chỉ vì cái ruột thừa "chán chơi, thèm mổ" nên dở chứng "viêm". Tôi chìm vào giấc ngủ (sau này mới biết là bị tiền mê chứ ngủ gì đâu) trong một nụ cười vì cô KTV ở phòng mổ hỏi trêu tôi "có bạn gái chưa?" trong khi tiêm thuốc vào dây truyền dịch. Sống trong viện 5 ngày 4 đêm tôi thấy hình ảnh bác sĩ và các chị y tá thật đẹp: giỏi giang, chữa bệnh, cứu người, vui vẻ, tận tâm ... thế là khi xuất viện về nhà tôi đập tan cái ý định khối A và hát câu "em đã chọn lối này": khối B - Đại học Y.

Đầu năm 1998, tôi đã là bác sĩ (tốt nghiệp 1997), tôi đã là giảng viên (mới được 6-7 tháng) của trường đại học mà tôi đã học, tôi làm việc tại bệnh viện lớn nhất thành phố tôi đang ở - ước mơ đã được thực hiện. Nhưng, đó lại là thời điểm tôi quyết định bỏ nghề bác sĩ vì một vài lý do mà một trong những lý do chính là: tôi thấy khi đó rất nhiều bác sĩ hành xử với người bệnh không còn giống như tôi thấy 10 năm trước.

Gần 30 năm trôi qua, tôi đã trải qua các góc khác nhau trong môi trường bệnh viện: là bệnh nhân, là sinh viên thực tập, là bác sĩ, là người nhà bệnh nhân, là người tìm hiểu theo cách nhìn của marketing, là người tư vấn và sau cùng là người chia sẻ về marketing bệnh viện. Từ những gì tôi đã trải qua, quan sát, cảm nhận và tìm hiểu, cá nhân tôi thấy lý do nhiều người trong xã hội chúng ta ngày nay ác cảm với bác sĩ và ngành y có thể bao gồm các yếu tố/nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tâm lý của người bệnh và người nhà.
Hãy tưởng tượng bạn đang vi vu trên xe máy trong một ngày đẹp trời thì bị ai đó tông phải ngã lăn ra đường, đau đớn, hoảng hốt thậm chí mất phương hướng, nhận thức lơ mơ. Khi đó mọi mong ước chỉ còn lại thật đơn giản: một bàn tay ai đó chìa ra đỡ mình lên đưa mình vào chỗ an toàn + một ánh mắt cảm thông và quan tâm + một cử chỉ giúp mình qua biến cố.
Cuộc sống đang tươi đẹp thì đùng một cái bệnh tật đến, thế là đau đớn, là lo lắng, là sợ hãi, là bối rối... toàn những cảm xúc tồi tệ giống như đang đi xe mà bị ngã. Khi đó người bệnh chỉ còn mong ước là gặp ai đó cảm thông, quan tâm, giúp mình hết bệnh; và tất nhiên họ đặt kỳ vọng vào người thầy thuốc.

Thứ hai, suy nghĩ và hành vi của bác sĩ và nhân viên y tế.
Do tầm quan trọng của công việc đối với người bệnh mà mỗi nhân viên y tế cảm thấy mình rất quan trọng, cần thiết với nhiều người và cũng dần dần cho mình đặc quyền của kẻ bề trên trong mối quan hệ tương tác với người bệnh. Từ cử chỉ, lời nói cho đến việc ra quyết định trong điều trị dần trở thành mệnh lệnh ban xuống mà người bệnh buộc phải tuân thủ. Ở đây, cho dù họ vẫn là các bác sĩ rất tận tâm với công việc, là bác sĩ chỉ suy nghĩ đến việc chữa khỏi cho người bệnh, là những bác sĩ tốt thì người bệnh vẫn cảm thấy bị xem nhẹ, bị lép vế. Cái gì bị nén lại thì sẽ có xu hướng bung ra, nhất là cảm xúc.

Thứ ba, sự lệch lạc về mục tiêu nghề nghiệp.
Trong sự quay cuồng của xã hội đang theo xu hướng thực dụng, nhiều bác sĩ tận dụng nghề nghiệp của mình để kiếm lợi, và càng kiếm lợi thì lợi ích của người bệnh càng bị xâm phạm. Chắc chắn, người bệnh sớm hay muộn thì cũng sẽ nhận ra điều này.

Thứ tư, sự lỏng lẻo về văn hoá - hành vi tổ chức
Vai trò của bệnh viện trong việc gìn giữ hình ảnh đẹp người thầy thuốc có vẻ như chả mấy nơi được coi trọng và thực hiện. Những chủ trương chính sách về giao tiếp với người bệnh chỉ được thực hiện theo hình thức, miễn sao có là được. Bệnh viện chỉ cần bác sĩ giỏi chuyên môn, khám được nhiều, mổ được nhiều, ít sai sót.. còn hành vi ứng xử với người bệnh thì chỉ có một số ít bệnh viện quan tâm. Và vì thế, những hành vi chưa đúng của người thầy thuốc có môi trường tốt để phát triển.

Thứ năm, hiệu ứng lan truyền.
Ngày nay chuyện gì lan cũng nhanh và rộng, nhất là những chuyện xấu. Người bệnh cứ bức xúc là chia sẻ và lan truyền nên chẳng bao lâu đã có cả một đám mây về sự "xấu xa" của bác sĩ và ngành y lơ lửng trong tâm trí mọi người. Để rồi, họ nếu có lỡ phải vào bệnh viện thì đã sẵn sàng tâm thế để "chiến đấu" với các "thiên thần áo trắng", khi đã chuẩn bị cho một cuộc chiến thì ta sẽ có cuộc chiến và phần thua thường thuộc về người bệnh.

Việc kết hợp năm yếu tố kể trên đầy đủ hoặc từng phần, theo tôi, chính là câu trả lời cho câu hỏi ban đầu. Người bệnh trong tâm thế khổ sở tìm đến thầy thuốc để chữa bệnh thì bị xem thường, bị lép vế rồi chẳng may nữa lại bị tận dụng để kiếm lợi mà chẳng có ai bênh vực; thế nên họ ấm ức, họ oán hận, họ ghét. Khỏi bệnh rồi, đáng ra họ phải hàm ơn người chữa bệnh nhưng sự ấm ức, oán hận và ghét đó đã triệt tiêu ân nghĩa đó và trong họ chỉ còn những cảm xúc tiêu cực mà thôi. Thế thì bảo sao họ chẳng ghét, chẳng chê, chẳng dìm ngành y.

TÔI BIẾT, CÒN RẤT NHIỀU CÁC BÁC SĨ VÀ NHÂN VIÊN Y TẾ TỬ TẾ, NHÃ NHẶN, TẬN TÂM VÀ ĐỒNG CẢM VỚI BỆNH NHÂN. TÔI ĐÃ GẶP HỌ Ở NHIỀU NƠI, HỌ LÀ BẠN TÔI, LÀ BÁC SĨ KHÁM CHỮA BỆNH CHO GIA ĐÌNH TÔI, LÀ KHÁCH HÀNG CỦA TÔI... VÀ TÔI MONG HỌ SẼ CHIẾM ĐA SỐ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét